Các nghiên cứu đã chỉ rõ, nguy cơ đột quỵ có liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ đột quỵ. Vậy đột quỵ là căn bệnh như thế nào mà khiến chúng ta phải hết sức chú ý như vậy? Cách phòng tránh căn bệnh này? Ăn uống như thế nào là lạnh mạnh và đủ dinh dưỡng? Trong bài viết này, Nấu và ăn sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về căn bệnh đột quỵ, cách phòng tránh, những loại thực phẩm giúp ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ cũng như những loại thực phẩm cần tránh xa. Cùng đọc và thu nạp những kiến thức bổ ích cho sức khỏe của bản thân và gia đình nhé!
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (được gọi là tai biến mạch máu não), là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
2. Cách phòng tránh đột quỵ
2.1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường,...gây ra đột quỵ. Một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng sẽ giúp phòng tránh đột quỵ một cách hiệu quả.
- Ăn nhiều trái cây sạch, rau củ quả, các loại hạt, ngũ cốc.
- Ăn nhiều hải sản, thịt trắng, trứng bổ sung protein.
- Uống nhiều nước, nước ép trái cây.
Nấu và ăn sẽ nói rõ hơn về chế độ dinh dưỡng ở phần Những thực phẩm giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ nhé!
2.2. Lối sống lành mạnh
- Không tắm muộn, thức khuya; ngủ đủ giấc.
- Cân bằng công việc với nghỉ ngơi cho hợp lý để giảm bớt áp lực căng thẳng.
- Không hút thuốc lá, không dùng các chất kích thích có hại cho cơ thể.
2.3. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên (ít nhất 5 ngày 1 tuần, mỗi ngày 30 phút) giúp tăng cường tuần hoàn máu, giúp tim khỏe mạnh, tăng cường thể chất. Từ đó làm giảm các nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
2.4. Giữ ấm cho cơ thể
Cơ thể bị nhiễm lạnh có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Vậy nên cần giữ ấm cơ thể, đặt biệt trong thời điểm giao mùa.
2.5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm nhất nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý tiềm ẩn (như tim mạch, tiểu đường…)
3. Những loại thực phẩm giúp ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ
3.1. Cá hồi
Chất béo omega-3 có trong cá hồi giúp cải thiện lưu lượng máu trong cơ thể, giúp thành mạch máu vững chắc, giảm nguy cơ đông máu. Theo một nghiên cứu tại trường Y Harvard Mỹ, ăn các loại cá béo như cá hồi 2-4 lần trong tuần có thể giúp giảm tới 27% nguy cơ đột quỵ.
3.2. Rau xanh
Rau xanh chưa nhiều chất xơ cùng các vitamin A, C tốt cho sức khỏe. Ăn nhiều rau xanh giúp cải thiện mạch máu và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Hơn nữa, axit folic có trong rau xanh còn có khả năng hạ huyết áp, giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Vậy nên hãy ăn nhiều rau xanh mỗi ngày, vừa tốt cho tiêu hóa, vừa ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
3.3. Chuối
Trong chuối có nhiều kali, ăn nhiều thực phẩm giàu kali có thể giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, chuối xanh có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt hơn chuối chín. Vậy nên, ngoài ăn chuối như một món tráng miệng, chúng ta còn có thể làm sinh tố chuối, bánh chuối và các món ăn nấu cùng chuối như cá om chuối...
3.4. Tỏi
Các phân tử ajoene có trong tỏi có khả năng làm giảm kết tập tiểu cầu, từ đó giảm nguy cơ đông máu gây đột quỵ. Vì vậy, nên ăn 1-2 tép tỏi một ngày để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ bạn nhé.
3.5. Cà rốt
Chất béo, đường, carotene, vitamin A, B1, B2, cùng sắt, canxi, axit folic và các chất dinh dưỡng khác trong cà rốt rất có lợi cho cơ thể. Carotene còn có thể chuyển hóa thành vitamin A giúp thành mạch ổn định, từ đó ngăn ngừa đột quỵ. Hơn nữa, theo một vài nghiên cứu, ăn cà rốt thường xuyên sẽ giúp giảm 25% nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
3.6. Hạt dẻ cười
Do hàm lượng cao axit béo không bão hòa đơn, và các chất chống oxy hóa như vitamin A và E, bổ sung một lượng hợp lý hạt dẻ cười giúp cơ thể chống lại các chứng viêm nhiễm, bảo vệ mạch máu và làm giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và đột quỵ.
3.7. Khoai lang
Một lượng dồi dào chất xơ cùng các chất chống oxy hóa có trong khoai lang giúp ngăn ngừa tích tụ mảng bám động mạch, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ.
3.8. Các sản phẩm từ đậu nành
Trong đậu nành có chứa isoflavone giúp bảo vệ tim mạch, giúp điều chỉnh lipid trong máu, giảm lượng cholesterol toàn phần, từ đó phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Hơn nữa, đậu nành cũng rất giàu canxi, protein, magie, kali,...tốt cho toàn bộ cơ thể.
3.9. Hạt bí
Hát bí là một nguồn dinh dưỡng dồi dào magie. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn nhiều thực phẩm chứa magie có thể giúp giảm tới 22% nguy cơ đột quỵ. Vậy nên hãy thường xuyên bổ sung hạt bí và cả quả bí ngô vào chế độ ăn uống hàng ngày nhé vì chúng đều tốt cho sức khỏe.
3.10. Ngô
Thường xuyên ăn ngô giúp làm mềm các mạch máu, giảm lượng cholesterol lắng đọng trong máu, từ đó giúp hạn chế tắc mạnh, và ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả (do trong ngô có nhiều chất xơ, axit béo không bão hòa, đặc biệt với axit linoleic rất hữu ích trong quá trình chuyển hóa chất béo và cholesterol trong cơ thể).
4. Cần tránh những thực phẩm sau để giảm nguy cơ đột quỵ
- Các món ăn nhiều muối như: thịt hun khói, dưa muối, cà muối,...
- Đồ uống, thực phẩm chứa nhiều đường.
- Đồ uống có gas, cồn, bia rượu.
- Đồ dầu mỡ, đồ chiên xào, đồ ăn nhanh.
- Hạn chế ăn loại thịt đỏ.
Trên đây, Nấu và ăn đã cung cấp cho bạn những kiến thức về đột quỵ và những thực phẩm để giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Hy vọng sẽ có ích cho sức khỏe của bạn và cả gia đình. Hãy luôn theo dõi và đón xem những bài viết bổ ích tiếp theo của chúng mình nhé!